Thưởng trà – Thú vui tao nhã của người Việt
Văn hóa thưởng trà của người Việt
Văn hoá thưởng trà từ lâu đã được xem là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Tuy không cầu kỳ như nghệ thuật Trà Đạo ở Nhật Bản nhưng nghệ thuật thưởng trà của Việt Nam cũng được chia thành những bước chính như chuẩn bị trà, pha trà, rót trà và tận hưởng hương vị của chén trà, trong đó mỗi bước đều phản ánh được giá trị văn hoá và nét đẹp truyền thống riêng biệt của dân tộc. Cổ nhân có câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”.
Đầu tiên, trà muốn thơm ngon thì phải sử dụng nước tinh khiết để pha, cầu kỳ hơn nữa là nước từ những hạt sương sớm đọng trên lá sen vào buổi sớm mai. Nước pha trà chỉ được đun vừa đủ sôi vì nếu không đủ sôi thì trà không phai còn nếu sôi quá thì trà lại nồng.
Thứ hai là bước chọn trà, người Việt xưa thường hay uống trà tươi trong khi hiện nay người ta thường sử dụng trà khô vì tính thuận tiện cũng như dễ dàng bảo quản. Trà cũng có nhiều loại trà, và tùy theo sở thích mà người ta lựa chọn loại trà phù hợp.
Đối với “Tam pha” và “Tứ bình”, người Việt thưởng sử dụng chén trà cỡ hạt mít, bình trà gồm có bình chuyên và bình tống. Trước khi pha trà, người ta dùng nước sôi để tráng chén và bình trà để làm nóng và sạch. Khi cho trà vào ấm, phải chú ý kỹ lượng trà sao cho vừa đủ (cho ít quá thì nhạt, còn cho nhiều quá thì đắng chát). Rót nước pha trà vừa ngập mặt trà rồi đổ đi để “rửa trà”, tiếp theo mới rót nước gần đầy bình và đậy nắp, rồi rót thêm lên trên nắp bình một ít nước nóng để giữ được hương trà. Đợi khoảng 1-2 phút cho trà chín và rót ra để thưởng thức, khi rót trà nên xoay ấm trà nhẹ nhàng trên tay, sau đó rót tất cả nước trà vào chuyên rồi mới rót vào các chén.
Cuối cùng “quần anh” ở đây có nghĩa là bạn trà. Theo quan điểm của người Việt, bạn trà khó tìm hơn bạn rượu, có được bạn trà là có được người tri kỷ. Khi thưởng trà, người ta luôn mong muốn được thưởng cùng với bạn hiền, với người có chung chí hướng. Thưởng trà trong văn hóa của người Việt có thể được chia làm 3 dạng:
Thưởng trà độc ẩm (một mình), một mình bên ly trà nghi ngút khói uống và nghiền ngẫm sự đời, đôi khi có thể là bầu bạn với những trang sách.
Thưởng trà đối ẩm (hai người), đây là cách thưởng trà trà khá thú vị mà người xưa thường rất yêu thích, đặc biệt là những thi nhân. “Đối ẩm” đâu phải với ai cũng được mà “đối ẩm” cần người tri kỷ để lắng nghe và trút bầu tâm sự.
Tri kỷ khó tìm, có được những phút giây hàn huyên cùng tri kỷ là điều mà các bậc thi nhân, trí sĩ xưa vẫn thường tâm niệm. Trà cũng như người bạn tâm giao của con người, giúp cho người ta nhớ đến tri ân, tri kỷ hoặc suy ngẫm về con người, về chính mình.
Thưởng trà quần ẩm (nhiều người), đây là cách thưởng trà trong những buổi hội họp, khi những người bạn tâm giao cùng quây quần bên tách trà. Khi ấy, chén trà trở thành “đầu câu chuyện”, là lời ngỏ ý chung vui, là chất xúc tác giúp mọi người giao tiếp, gắn kết với nhau.
Xu hướng thưởng trà của người Việt
Thưởng trà tại các điểm trà, trà quán
Một chén trà ngon để lại dư vị thanh ngọt, một chốn yên bình để ngồi xuống thưởng trà khiến lòng người xao xuyến, bâng khuâng. Giữa thành phố ồn ào, tấp nập, đôi khi người ta bị nhấn chìm trong những bộn bề, lo toan, đôi khi phải uống vội những ly trà túi lọc để giữ cho mình tỉnh táo hay tạt vào những quán nước trên vỉa hè để tạm nghỉ chân, nói dăm ba câu chuyện nhỏ sau những chuyến đi dài. Cuộc sống hối hả như vậy dần khiến người ta quên đi những giá trị tinh thần đáng quý.
Những ngày chớm thu là thời điểm thích hợp để tìm về với những điều dung dị, nguyên sơ nhất. Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi tĩnh lặng để thư giãn thì trà quán là sự lựa chọn lý tưởng. Đến với trà quán, những vị khách không chỉ được thưởng thức những loại trà Việt tinh tế nhất, được chiêm ngưỡng cách pha trà kỳ công, tỉ mỉ từ những người nghệ nhân; mà còn có thể cảm nhận được những nét hoài niệm, hoài cổ toát lên từ những trà cụ, đồ vật đã đi qua cùng năm tháng. Giữa phố phường đông đúc, tấp nập, đôi khi chỉ cần tìm được một chỗ dừng chân yên tĩnh như thế này là đủ. Bạn có thể gọi bình trà nóng và ngồi ngoài hiên ngắm mưa rơi để tận hưởng không khí Hà Nội dịp giao mùa hoặc mời những người bạn hữu cùng ngồi lại nhâm nhi ly trà thanh ngọt và hàn huyên những câu chuyện đời thường.
Người ta thường tìm đến những điểm trà, quán trà bởi đó là nơi luôn mang lại cảm giác ấm cúng, gần gũi và được ví như những căn nhà nhỏ để thả lòng mình sau những ngày làm việc căng thẳng, bởi lẽ khách thưởng trà tới đây không chỉ để uống trà, mà còn đến để thưởng thức một phong cách uống trà xưa cũ, tinh tế và mang đậm hồn Việt.
Ưa chuộng những loại trà cổ
Trà cổ thụ được nhiều người tìm đến do dược tính cao và lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe.
Cây trà sinh trưởng ở những khu vực có độ cao từ 1400 – 2500m, mây mù bao phủ quanh năm, sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cùng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đã tạo cho trà cổ thụ chất lượng tốt và hương vị tuyệt hảo. Chính vì sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên, không có tác động của con người giúp cho cây trà có tuổi thọ rất cao, từ 300 đến 500 năm tuổi và vươn mình thành những cây cổ thụ to lớn. Bên cạnh đó, trà cổ thụ được canh tác hoàn toàn tự nhiên không sử dụng bất cứ một hóa chất nào nên được xem là trà sạch, đó là tiêu chí hàng đầu khiến người tìm đến trà cổ ngày một nhiều.
So với các loại trà bình thường, trà cổ thụ có một số điểm khác biệt:
- Thời gian thu hoạch của trà cổ thụ trà kéo dài đến 3 tháng, dài hơn rất nhiều so với thời gian 15 – 20 ngày của trà bình thường. Trong 4 vụ chè trong năm, trà vụ Đông và vụ xuân cho hương tốt nhất, còn nếu xét về độ đậm đà nhất thì phải là trà mùa thu.
- Vùng trồng cây trà cổ thụ có sẵn trong tự nhiên, không phải do con người canh tác.
- Chỉ có ở những vùng núi cao với khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt, trà mới có thể sinh trưởng và cho chất lượng trà tốt nhất.
Trà cổ thụ là đặc sản đặc trưng của Trà Việt Nam, được mệnh danh là “đệ nhất danh trà Việt”, người ta tìm đến trà không chỉ để tận hưởng hương vị tinh tế, thanh ngọt mà còn để thưởng thức cả một nghệ thuật thưởng trà mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.