Những câu chuyện cổ về trà
Trà không chỉ là loại thức uống độc đáo mà còn giúp sảng khoái tinh thần, tốt cho sức khỏe. Ông cha ta từ thời xa xưa đã có câu: “Bình minh nhất trản trà. Lương y bất đáo gia” (Tạm dịch: Buổi sáng uống một tách trà thì thầy thuốc không cần tới nhà.)
Ở các nước châu Á, người ta còn truyền tụng truyền thuyết về trà như sau: “Năm 2757 trước công nguyên, vua Thần Nông vào một buổi trưa hè nóng bức, ngồi ở một gốc cây, uống một chén nước nóng. Tình cờ một vài lá cây rơi vào chén, nhà vua uống thứ nước này thấy nước có một hương vị mới mẻ, rất dễ chịu. Sau này, vua gọi loại lá kia là trà và cho chép trong một cuốn ký sự rằng “nước trà xanh làm đỡ khát, không buồn ngủ, trong nó còn có vị làm tinh thần thêm sảng khoái”.
Hay sử sách cũng ghi lại rằng dưới thời nhà Đường (618 – 907), Lục Vũ đã viết cuốn “Trà kinh” gồm ba cuốn Thượng, Trung, Hạ. Trong bộ sách này, ông có ghi chép rành mạch tất cả các chi tiết liên quan đến trà, đặc biệt là về mặt y dược và từ đó trà mới thực sự trở nên phổ biến.
Trà vang danh trong thiên hạ, lưu truyền khắp các trang sử và đương nhiên xứ sở trà đạo Nhật Bản cũng phải có câu chuyện về trà truyền lại cho hậu thế. Theo đó, trà xanh được tìm thấy bởi một danh y tinh thông dược thảo, khoảng từ niên lịch tương đương với thời Chiến Quốc của Trung Hoa. Danh y này cũng phát hiện ra nước uống chế biến từ trà làm cho con người tỉnh táo, minh mẫn.
Trà là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca
Đã từ lâu, trà đã đi vào thơ ca Việt Nam như là một biểu tượng cho tâm hồn thanh cao và lòng hiếu khách mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
“Chè ngon, nước chát xin mời
Nước non non nước, nghĩa người chớ quên.”
(Ca dao Việt Nam)
Hay dù cuộc sống có khó khăn, vất vả thì lòng người vẫn cứ hân hoan, rộng mở:
“Nhà lá đơn sơ
Tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.”
(Thơ Hoàng Trung Thông)
Thi bá thời nay trong nhóm Bàn thành tứ hữu lừng danh là Quách Tấn cũng hạ những câu thơ kinh điển về trà như sau:
“Hương trà chưa cạn chén hàn ôn
Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn
Ngắm vợi mây thu ùn mặt biển
Gác chuông thành cổ đọng hoàng hôn.”
Dù là ở bất cứ thời đại nào thì trà vẫn luôn giữ trọn vẹn cái ý nghĩa sâu sắc mà cao đẹp, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân, trí sĩ.
Giá trị tinh thần của trà đối với đời sống người Việt
Trà là một nét đẹp thuần túy, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Trà mở đầu buổi sáng và kết thúc bữa ăn tối của mọi gia đình. Trà có mặt trong các bữa giao lưu tình nghĩa ngày hội làng, đình đám, đưa đón khách thập phương về thăm quê nhà. Chén trà ấm nóng ngát hương xóa nhòa đi mọi khoảng cách làm mọi người xích lại gần nhau hơn. Chén trà là đầu câu chuyện, được dùng thay cho lời chào hỏi; là một phương tiện giao tiếp dung dị, mộc mạc; là quà tặng, lễ vật, thẫm đượm cái nghĩa, cái tình.
Việt Nam được coi là cái nôi của cây trà. Phong tục uống trà và sự phát triển của cây trà Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. Người Việt xưa dù là sống trên núi cao, dưới đồng bằng hay vùng ven bờ biển, dù là người sang hay kẻ hèn tất thảy đều giữ một tập tục uống trà. Đằng sau tách trà nóng là biết bao câu chuyện được bộc bạch, thổ lộ. Tập tục uống trà của người Việt Nam còn đặc biệt ở cách mời trà đầy ý nhị và tinh tế, dù vui hay buồn, dù nắng hay mưa khách cũng không thể chối từ một chén trà nóng khi chủ nhà trân trọng dâng mời.
Đôi khi chỉ cần nhấp một ngụm trà vậy là bao nhiêu mệt mỏi, lo toan đời thường dường như tan biến hết chỉ để lại tâm hồn thanh nhẹ tựa như vị trà vương vấn mãi không thôi.
Trà mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc
Trà gắn bó với các lễ nghĩ của người Việt từ xa xưa. Người Việt dùng trà để cúng bàn thờ ông cha, thể hiện sự kính trọng và đạo lý uống nước nhớ nguồn với người đi trước. Chung trà được đặt trang trọng ngay giữa bàn thờ, trà phải được chọn lựa kỹ càng cùng nước trà vừa pha nghi ngút khói.
Trong gia đình mỗi người Việt bất kể tầng lớp nào, cũng đều có một bộ ấm trà được pha sẵn đặt ngay ngắn trên bàn khách. Người ta lấy trà để mời nhau, để mở đầu những câu chuyện thân tình bên ly trà thơm lừng nghi ngút khói. Nhờ vậy, người với người gần gũi nhau hơn.
Người Việt không chỉ dùng tách trà để thể hiện lòng hiếu khách, mà còn để bày tỏ sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Trong các lễ cưới truyền thống, đứng dưới bài vị tổ tiên, những người con thường cung kính dâng lên cho đấng sinh thành tách trà nồng ấm cùng với tấm lòng biết ơn và sự yêu thương vô hạn.
Trà có mặt trong các dịp lễ tết, như lời chúc phúc đủ đầy trao gửi đến người thân, bạn hữu.
Tết Nguyên Đán đang tới gần, còn điều gì tuyệt vời và ý nghĩa hơn là quây quần bên gia đình và nhâm nhi những chén trà ngát hương.
Ngày nay, giữa muôn vàn lựa chọn thức uống từ cổ điển như cà phê, nước ép đến hiện đại như đá xay, trà sữa, thì trà cổ truyền thống vẫn có một chỗ đứng riêng trong lòng người Việt. Không riêng người cao tuổi, người trung niên mới thích uống trà mà giới trẻ ngày nay cũng đang tìm về với nét văn hóa ẩm thực lâu đời này.
Ngồi xuống bên một chén trà nghi ngút ngút khói, tận hưởng cái vị thơm ngọt thanh mát giữa tiết thu Hà Nội se lạnh khiến lòng người xao xuyến, bồi hồi không thôi.